Vương triều Den_(pharaon)

Thời kì đầu

Theo những ghi chép khảo cổ học, vào giai đoạn đầu vương triều của ông, Den đã cùng trị vì với người mẹ của ông, Meritneith, trong nhiều năm. Có vẻ như ông còn quá trẻ để tự mình cai trị. Vì vậy Meritneith đã cai trị như là một nhiếp chính hay là một pharaon không chính thức trong một khoảng thời gian. Điều này không phải là một sự kiện bất thường trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Nữ hoàng Neithhotep có thể đã giữ một vai trò tương tự như vậy trước Meritneith, trong khi những nữ hoàng như SobekneferuHatshepsut sau này đã là các nữ pharaon. Sau khi qua đời, Den đã tưởng nhớ công lao của bà với ông bằng việc cho xây dựng một ngôi mộ như của một vị vua dành cho bà và bà còn được thờ cúng sau khi qua đời.[4][9]

Sự kiện

Một trong những phát kiến quan trọng dưới vương triều của Den là sự ra đời của hệ thống số đếm bằng chữ tượng hình. Trước đó, các sự kiện quan trọng trong năm chỉ đơn thuần được miêu tả bằng các ký tự và các bức họa nhỏ, đôi khi được chỉ dẫn bởi ký tự tượng hình của một bông cọ trụi (renpet), có nghĩa là "năm". Từ vương triều của Den trở đi, người Ai Cập sử dụng hệ thống số đếm bằng chữ tượng hình cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm việc tính toán thu thuế và chú thích cho các sự kiện trong năm của họ.[10]

Den là vị vua Ai Cập đầu tiên được chứng thực trên những bức phù điêu đá ở Sinai. Hai hoặc thậm chí ba bức phù điêu đã miêu tả nhà vua đang đứng cùng với một số quan lại của ông.[11]

Hầu hết các sự kiện tôn giáo và chính trị diễn ra dưới vương triều của Den đều được ghi lại trên các tấm thẻ bằng ngà voi và từ bia đá Palermo. Các tấm thẻ cho thấy sự phát triển quan trọng về kiểu chữ và nghệ thuật. Bề mặt của chúng được chia một cách khéo léo thành nhiều phần, mỗi phần trong số đó lại cho thấy những sự kiện riêng lẻ. Ví dụ, một trong những tấm thẻ đã ghi lại một dịch bệnh ảnh hưởng đến Ai Cập. Nó được ghi lại bằng hình ảnh của một pháp sư cùng với một chiếc bình khác lạ hoặc một chiếc vạc bên dưới chân ông ta. Một dòng chữ gần đó bắt đầu với "Henu..." nhưng ý nghĩa của nó lại không rõ ràng, nó có thể có nghĩa là "dự trữ", hoặc có thể là âm tiết đầu tiên của tên gọi "Henu-Ka" (một chức quan lớn).[3]

Một tấm thẻ khác được gọi là "Tấm thẻ MacGregor" đã cho thấy miêu tả hoàn chỉnh đầu tiên của một vị vua Ai Cập cùng với mũ trùm đầu Nemes. Trên tấm thẻ này, Den đang thực hiện một hành động được biết đến như là "sự trừng phạt kẻ thù". Một tay của Den giữ một cây quyền trượng, tay kia của ông nắm lấy mái tóc của kẻ thù. Nhờ vào bộ tóc dài và bộ râu quai nón được miêu tả, có thể xác định kẻ thù của ông có nguồn gốc từ châu Á. Những chữ tượng hình ở phía bên phải nói rằng "đòn trừng phạt đầu tiên ở phía Đông". Ở phía bên trái có ghi tên của một vị đại thần là Iny-Ka. Dường như Den đã phái quân tới Sinai và khu vực sa mạc phía đông một vài lần dưới vương triều của ông. Những cư dân du mục chuyên cướp bóc này được những người Ai Cập thời sơ kỳ gọi là Iuntju ("dân tộc với cung săn") và là kẻ thù truyền kiếp của Ai Cập, họ thường xuyên gây ra sự phiền nhiễu. Họ còn được đề cập đến một lần nữa trong một bản khắc đá tại Sinai dưới vương triều của vua Semerkhet, một trong những vị vua kế vị Den.[3][12][13]

Nhiều sự kiện khác còn được ghi lại trên những mảnh vỡ của tấm bia đá Palermo. Mảnh vỡ Oxford đã ghi lại các sự kiện sau đây:

  • Năm thứ 4: Lần đầu tiên cho kiểm kê vàng.
  • Năm thứ 5: Lễ rước thần Horus; Điều tra số lượng gia súc lần thứ hai.
  • Năm thứ 6:... của Rehyt.
  • Năm thứ 7: Lễ rước thần Horus; Điều tra số lượng gia súc lần thứ ba.[14]

Mảnh vỡ Cairo C5 ghi lại:

  • Năm thứ 18: Tạo dựng một bức tượng cho Wer-Wadjet.
  • Năm thứ 19: Trừng phạt người Setjet.
  • Năm thứ 20: Tạo nên thần vật của Mafdet; dựng các cột trụ của Sentj.
  • Năm thứ 21: Trừng phạt người Tjesem.
  • Năm thứ 22: Tới thăm lãnh địa hoàng gia của Semer-Netjeru; lễ kỷ niệm Hebsed đầu tiên.[15]

Bia đá Palermo còn ghi lại:

  • Năm thứ 28: Thăm đền thờ Ptah....
  • Năm thứ 29: Trừng phạt người Iuntju.
  • Năm thứ 30: Dưới sự chứng kiến của đức vua Hạ và Thượng Ai Cập; Lễ kỷ niệm Hebsed lần thứ 2.
  • Năm thứ 31: Lập kế hoạch cho việc xây dựng các con kênh phía đông và phía tây qua các khu vực của Rehyts.
  • Năm thứ 32: Lễ hội Djet lần thứ hai.
  • Năm thứ 33: Lễ căng dây (một nghi lễ động thổ [16]) cho pháo đài thần thánh Ipet-Netjeru ("ngai vàng của các vị thần").
  • Năm thứ 34: Đại tư tế của thần Seshat làm lễ căng dây cho cung điện hoàng gia của pháo đài thần thánh Ipet-Netjeru.
  • Năm thứ 35: Khánh thành hồ nước thiêng liêng tại pháo đài thần thánh Ipet-Netjeru; Cuộc săn hà mã hoàng gia.
  • Năm thứ 36: Dừng chân tại Nenj-nesw (Herakleopolis Magna) và tại hồ nước của thần Heryshaf.
  • Năm thứ 37: Gương buồm tới Sah-Setni; sáng lập / phá hủy thành phố Wer-Ka.
  • Năm thứ 38: Tạo dựng một bức tượng cho thần Sed.
  • Năm thứ 39: Dưới sự chứng kiến của đức vua Hạ và Thượng Ai Cập; Cuộc đua bò thần Apis lần thứ nhất.
  • Năm thứ 40: Tạo dựng một bức tượng cho nữ thần Seshat và Mafdet.
  • Năm thứ 41: Dưới sự chứng kiến của đức vua Hạ và...[10][17]